Trại nuôi dê

0
1411

Trong những năm gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng với thực phẩm cao cấp ngày càng tăng. Do đó, việc phát triển các vật nuôi cung cấp sản phẩm thịt, sữa chất lượng cao, ngon được nhiều người ưa chuộng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê, cừu chỉ cần vốn đầu tư thấp, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có và lao động dồi dào ở các địa phương, khả năng quay vòng vốn lại nhanh, rất phù hợp điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình ở nông thôn nước ta, nhất là vùng trung du, miền núi.

Để giúp nông dân phát triển nghề chăn nuôi dê, cừu quy mô gia trại, trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án: Chăn nuôi dê, cừu sinh sản tại 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong ba năm (2012 -2014), dự án đã hỗ trợ hơn 1.916 con dê, cừu cho 24 mô hình, với sự tham gia của 360 hộ nông dân. Riêng Ninh Thuận triển khai mô hình chăn nuôi cừu sinh sản.

blogger-image--843915502

Trước khi hỗ trợ các giống chất lượng tốt, năng suất cao như dê lai Bách thảo, lai Boer…, các hộ chăn nuôi đều được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình chăn nuôi: từ kỹ thuật phối giống đến chăm sóc dinh dưỡng cho nên đàn dê, cừu rất khỏe mạnh, đạt được chỉ số kỹ thuật cao hơn yêu cầu của dự án. Trọng lượng cừu sơ sinh đạt 2,5 -2,6 kg/con, dê sơ sinh 1,8 kg/con; tỷ lệ nuôi sống đến ba tháng tuổi của dê, cừu con đều đạt 90%.

Đồng thời, với việc xây dựng mô hình trình diễn, dự án cũng triển khai 48 lớp tập huấn cho 1.344 nông dân chưa tham gia mô hình, đồng thời tổ chức tham quan, hội thảo về mô hình cho 1.440 người. Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền cũng luôn được dự án chú trọng, với 360 pa-nô, khẩu hiệu, băng-rôn, 16.800 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản và 96 tin bài tuyên truyền trên đài phát thanh của xã về chăn nuôi dê, cừu sinh sản.

blogger-image--1456702256

Nhờ các hoạt động của dự án, người chăn nuôi và nhân dân của các địa phương nơi triển khai dự án đã nâng cao nhận thức về kỹ thuật chăn nuôi dê, cừu sinh sản. Cùng với việc được hỗ trợ các con giống chất lượng tốt, các hộ nông dân còn được tiếp thu những tiến bộ mới về kỹ thuật chăn nuôi theo phương thức bán thâm canh, cho nên đã dần xóa bỏ những phương thức nuôi tận dụng, lạc hậu, tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh, biết cách dùng vắc-xin phòng bệnh cho dê, cừu, do đó đàn dê, cừu khỏe mạnh, tăng tỷ lệ nuôi sống, tăng khả năng sản xuất. Vì vậy, ở một số nơi, kết quả đạt được cao hơn so với nuôi dê đại trà khoảng 15 – 20%, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi dê, cừu tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng Phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), Chủ nhiệm dự án, TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Từ việc nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi, dự án đã góp phần giúp người dân thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, tận dụng lao động phụ, giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong nông thôn. Đồng thời, dự án đã giải quyết được những bất cập về môi trường do chăn nuôi gây ra thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi.

Dự án đã từng bước định hướng cho bà con nông dân nghề chăn nuôi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và tạo ra khối lượng hàng hóa có giá trị cho xã hội.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận