Tác dụng chữa bệnh của thịt dê

0
2114

Theo y học cổ truyền, hầu hết các bộ phận của dê (cả dê rừng và dê nhà) như thịt, xương, nội tạng… đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm từ loài gia súc này đều có tính ấm, nóng nên những người có thể chất thiên nhiệt, người bị sốt do cảm mạo không nên dùng.

thịt dê

Dê cung cấp nhiều vị thuốc quý.

Sau đây là tác dụng chữa bệnh của dê:

1. Thịt dê (dương nhục)

Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ huyết, ích khí, ôn trung, noãn thận, dùng chữa các chứng thiếu máu, gầy yếu, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau bụng do hư hàn hoặc suy giảm khả năng tình dục do thận dương hư.

Suy nhược, đau bụng do hư hàn: Thịt dê 250 g thái miếng, hầm thật nhừ với 30 g đương quy và 15 g sinh khương, chắt nước cốt uống.

Tỳ vị hư nhược, chán ăn, nôn và buồn nôn do hư hàn: Thịt dê 250 g thái vụn, nấu với 180 g gạo thành cháo, ăn vài lần trong ngày.

Liệt dương, di tinh, di niệu, đau lưng, mỏi gối do thận dương hư: Thịt dê 250 g luộc chín, thái miếng, trộn đều với 15 g tỏi (giã nát) cùng các gia vị khác để ăn.

2. Gan dê (dương can)

Vị ngọt, tính bình, có công dung bổ huyết, ích can và làm sáng mắt. Gan dê được dùng chữa các bệnh sau:

Suy nhược cơ thể, chóng mặt, thị lực giảm sút do can huyết hư: Gan dê 150 g thái miếng, nấu với 50 g gạo tẻ thành cháo, ăn vài lần trong ngày.

Can hoả vượng (biểu hiện là đau đầu chóng mặt, mắt đỏ): Gan dê 60 g, cúc hoa 10 g, cốc tinh thảo 10 g, sắc kỹ lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày.

3. Thận dê (dương thận)

Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận khí, ích tinh tuỷ, được dùng chữa các bệnh sau:

Liệt dương, xuất tinh sớm: Thận dê một đôi, nhục thung dung 12 g, kỷ tử 10 g, thục địa 10 g, ba kích 8 g. Thịt dê làm sạch, thái miếng, hầm với các vị thuốc (được gói trong túi vải). Bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Gầy yếu, suy nhược, ù điếc, di tinh, liệt dương, hậu sản hư lãnh: Thận dê 100 g, thịt dê 100 g, kỷ tử 50 g, gạo tẻ 50 g, gia vị vừa đủ, tất cả nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Đau lưng mạn tính: Thận dê một đôi thái miếng, hầm với đậu đen 60 g, đỗ trọng 12 g, tiểu hồi hương 3 g, sinh khương 3 lát. Bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

4. Tinh hoàn dê (dương thạch tử)

Vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ thận tráng dương, ích tinh. Các ứng dụng cụ thể:

Chữa đau lưng do thận ư, di tinh, liệt dương, khí hư, sa đì, tiểu đường: Dùng tinh hoàn dê nấu cháo ăn thường xuyên.

Chữa liệt dương: Tinh hoàn dê một đôi, nhung hươu 3 g, ngâm với 500 ml rượu trắng trong nửa tháng. Uống mỗi ngày 15-20 ml.

Hoặc: tinh hoàn dê 1 đôi làm sạch, bỏ màng, thái miếng, nấu với nước hầm xương lợn trong 5 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng.

5. Dạ dày dê (dương đỗ)

Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư, kiện kỳ, ích vị. Ứng dụng cụ thể:

Chữa viêm đại tràng và viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn: Dạ dày dê một cái hầm với gừng tươi, riềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày.

Chữa cảm mạo, ra nhiều mồ hôi: Dạ dày dê một cái hầm với 50 g đậu đen và 40 hoàng kỳ, chia ăn 2 lần trong ngày.

6. Phổi dê (dương phế)

Vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ phế khí, điều thuỷ đạo, được dùng chữa các bệnh sau:

Ho kéo dài do phế hư, tiểu tiện bất lợi: Phổi dê 500 g thái vụn, luộc kỹ lấy nước, cho thêm 150 g thịt dê (thái miếng) và 100 g gạo tẻ, nấu nhừ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Bổ phổi, phòng polyp mũi: Phổi dê một lá, bạch truật 120 g, nhục thung dung, thông thảo, can khương, xuyên khung mỗi thứ 60 g. Tất cả sấy khô, tán bột, uống với nước cháo ngày 2 lần, mỗi lần 5-10 g.

7. Xương dê (dương cốt)

Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận, cường gân cốt.

– Chữa phong thấp, gầy yếu do lao lực, đầu choáng, mắt hoa: Xương dê 1 kg hầm với 60 g gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Đau lưng mạn tính: Xương dê 1 kg, trần bì 6 g, riềng 6 g, thảo quả 2 quả, gừng tươi 3 g. Hầm lấy nước cốt, nấu cháo ăn.

Bồi dưỡng cho trẻ chậm lớn: Xương sống dê 0,5 kg hầm kỹ với nhục thung dung 10 g, hoài sơn 100 g, chia ăn vài lần trong ngày.

8. Tiết dê (dương huyết)

Vị mặn, tính bình, có công dụng chỉ huyết, khứ ứ.

Chữa thổ huyết, chảy máu cam: Dùng tiết dê tươi cho uống 1-2 chén nhỏ.

Chữa trị xuất huyết: Dùng tiết dê luộc chín, ăn với dấm chua.

Cầm máu vết thương: Tiết dê (đốt thành than) 5 phần, tóc rối (đốt thành than) 5 phần, bột hoàng cầm 1 phần, trộn đều rồi rắc vào vết thương.

Ngoài ra, các bộ phận khác của dê cũng được dùng làm thuốc, chẳng hạn như:

– Tim: Bổ tâm, giải uất, chữa chứng đau tức, hồi hộp, đánh trống ngực.

Tuỵ: Nhuận phế, chỉ đới, chữa ho kinh niên và khí hư.

Bàng quang: Chữa di niệu.

Tuyến giáp trạng: Chữa chứng khí anh (bụng đầy tức, họng như có dị vật, khạc không được, nuốt không trôi).

– Da: Ích khí, bổ hư, làm ấm tỳ vị, chữa chứng hư lao, lưng đau gối mỏi, sản hậu hư lãnh.

Sữa: Nhuận táo, bổ hư, trị các chứng suy nhược cơ thể, tiểu đường, loét miệng.

Mật: Thanh hoả, giải độc, chữa đau mắt đỏ, thổ huyết do lao, viêm họng cấp tính, hoàng đản, táo bón, viêm loét da do nhiễm độc.

Mỡ: Bổ hư, nhuận táo, hoá độc, chữa khô da, nhọt độc.

ThS Hoàng Khánh Hiển, Khoa Học & Đời Sống

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận